Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

DẤU HIỆU SINH HỌC UNG THƯ.

TS. BS. Vũ Văn Vũ
Bệnh Viện Ung Bướu TP. HCM

I.
DẤU HIỆU SINH HỌC UNG THƯ LÀ GÌ?
Các dấu hiệu sinh học ung thư là các chất sinh học có thể tìm thấy được khi cơ thể mắc ung thư. Các dấu hiệu sinh học có thể được trực tiếp tạo ra từ các tế bào ung thư hoặc do cơ thể phản ứng lại ung thư hay các tình trạng khác. Các dấu hiệu sinh học thường được phát hiệu trong máu hoặc nước tiểu nhưng cũng có thể được tìm thấy ở khối bướu và các mô khác. Phần nhiều các dấu hiệu sinh học có bản chất hóa học là prôtêin.
Hiện có rất nhiều các dấu hiệu sinh học ung thư khác nhau. Một số dấu hiệu sinh học chỉ hiện diện đặc thù trên một loại ung thư nào đó, nhưng nhiều dấu hiệu sinh học khác có thể tìm thấy ở nhiều loại ung thư khác nhau.
Các dấu hiệu sinh học ung thư được xác định bằng phương pháp xét nghiệm trong phòng thí nghiệm. Mẫu máu hoặc nước tiểu của bệnh nhân được cho tiếp xúc với các kháng thể đặc hiệu có tính phản ứng chuyên biệt với các dấu hiệu sinh học ung thư có bản chất hóa học là prôtêin. Một số các xét nghiệm dấu hiệu sinh học sử dụng các phương pháp xét nghiệm đặc biệt khảo sát trên ngay chính mẫu mô ung thư.
Sự hiện diện đơn thuần của các dấu hiệu sinh học ung thư phát hiện qua các xét nghiệm không đủ để đưa ra kết luận là bệnh nhân có mắc bệnh ung thư. Đa số các dấu hiệu sinh học không chỉ được tạo ra bởi các tế bào ung thư mà còn bởi các tế bào bình thường của cơ thể. Một số tình trạng tiền ung thư có thể làm gia tăng các dấu hiệu sinh học ở mức cao hơn bình thường và ngược lại có nhiều bệnh nhân ung thư lại không có sự gia tăng các dấu hiệu sinh học ung thư.
Do những lý do trên mà hiện nay chỉ có một số dấu hiệu sinh học ung thư được dùng rộng rãi trên lâm sàng. Thầy thuốc sử dụng kết quả dấu hiệu sinh học ung thư kết hợp với các ghi nhận triệu chứng lâm sàng, khám thực thể bệnh nhân và các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh hoặc sinh hóa khác.
Trong những năm gần đây, khái niệm dấu hiệu sinh học ung thư được mở rộng hơn nhờ các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Các nhà khoa học có thể khảo sát chi tiết vật liệu di truyền (các gen và prôtein) ở mức phân tử và bắt đầu tìm hiểu ảnh hưởng của toàn bộ kiểu gen hoặc toàn bộ kiểu cấu trúc prôtêin trên nhiều bệnh trong đó có ung thư thay cho ảnh hưởng của một vài gen hoặc một vài dấu hiệu sinh học như trước đây.
II. VAI TRÒ CỦA CÁC DẤU HIỆU SINH HỌC UNG THƯ?
A. Tầm soát và chẩn đoán sớm
Tầm soát là việc rà tìm ung thư trong cộng đồng người bình thường, chưa có triệu chứng gì liên quan đến ung thư. Chẩn đoán sớm là phát hiện được bệnh ung thư vào giai đoạn sớm khi bệnh còn nhiều khả năng chưa lan rộng và còn cơ may điều trị khỏi. Mặc dù, các dấu hiệu sinh học thoạt tiên được phát triển với mục tiêu nhằm để phục vụ cho việc phát hiện sớm ung thư trên người chưa có triệu chứng, nhưng cho đến hiện nay chỉ có rất ít dấu hiệu sinh học đáp ứng được yêu cầu này.
Một dấu hiệu sinh học ung thư “hoàn hảo” như người ta trông đợi phải có tính chất nhạy bén dùng để phát hiện ung thư sớm trên người không có triệu chứng, có tính đặc hiệu chỉ phát hiện được trên người có mắc ung thư, phải giúp xác định vị trí ung thư ở đâu, mức độ lan tràn bệnh thế nào và phương pháp điều trị nào sẽ mang lại hiệu quả cao nhất. Rất tiếc là cho đến hiện nay chưa có bất kỳ một dấu hiệu sinh học ung thư nào có đủ các tính chất trên.
Hiện nay, dấu hiệu sinh học được dùng rộng rãi nhất trong tầm soát và phát hiện ung thư là xét nghiệm tìm PSA (prostate-specific antigen: kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt) trong máu nam giới cao tuổi, để tầm soát ung thư tiền liết tuyến. Xét nghiệm này được dùng song hành với việc khám tiền liệt tuyến bằng ngón tay qua trực tràng. Bệnh nhân mắc ung thư tiền liệt tuyến thường có PSA cao trong máu, nhưng PSA cao còn có thể gặp trong nhiều bệnh lý lành tính khác của tiền liệt tuyến và ngược lại kết quả PSA bình thường trong máu không có nghĩa là không có bệnh ung thư. Do vậy, người ta còn đang bàn cãi nhiều vấn đề liên quan đến tầm soát ung thư tiền liệt tuyến bằng xét nghiệm PSA và nhiều cải tiến kỹ thuật đang được nghiên cứu áp dụng để tăng tính hiệu quả của xét nghiệm này.
Ngoài PSA, hiện chưa có dấu hiệu sinh học nào khác hữu ích cho tầm soát và chẩn đoán sớm ung thư trên cộng đồng người bình thường. Một vài dấu hiệu sinh học đặc biệt có thể giúp ích cho chẩn đoán ung thư sớm trên những nhóm bệnh nhân có nguy cơ mắc ung thư cao (như AFP giúp chẩn đoán ung thư gan trên bệnh nhân viêm gan siêu vi mạn tính…).
B. Chẩn đoán ung thư 
Người ta không dùng các dấu hiệu sinh học để chẩn đoán ung thư. Ung thư được  chẩn đoán xác định dựa vào giải phẫu bệnh lý được thực hiện qua việc khảo sát dưới kính hiển vi hình ảnh và cách sắp xếp của các tế bào được lấy ra từ bướu bằng nhiều kỹ thuật sinh thiết khác nhau. Tuy vậy, các dấu hiệu sinh học cũng có giá trị tham khảo giúp tăng khả năng chẩn đoán xác định ung thư. Trong nhiều trường hợp ung thư đã lan tràn, các dấu hiệu sinh học có thể giúp định vị vị trí khởi đầu của ung thư.
Trong trường hợp một bệnh nhân nữ có tổn thương bướu lan tràn toàn vùng chậu và ổ bụng, kết quả định lượng CA 125 trong máu cao gợi ý ung thư bắt nguồn từ buồng trứng, cho dù ngay cả phẫu thuật cũng không xác định được vị trí ban đầu của bướu là ở đâu. Việc chẩn đoán cơ quan xuất phát bệnh ung thư trong trường hợp này có ý nghĩa quan trọng giúp lựa chọn được cách điều trị thích hợp.
Một thí dụ khác là dấu hiệu sinh học alpha fetoprotein (AFP) thường được dùng trong chẩn đoán ung thư gan nguyên phát. Lượng AFP cao trong máu có thể gặp trong nhiều bệnh lành tính của gan nhưng khi AFP tăng cao tới một mức độ nào đó thầy thuốc có thể chẩn đoán là ung thư gan (ngay cả khi không có kết quả sinh thiết).
C. Định tiên lượng bệnh ung thư
Một số bệnh ung thư tăng trưởng và lan tràn nhanh hơn một số các bệnh ung thư khác. Nhưng ngay cả trong cùng một loại ung thư (ung thư vú chẳng hạn), mỗi bệnh nhân lại có diễn tiến bệnh nhanh chậm và đáp ứng với điều trị nhiều ít khác nhau. Một số dấu hiệu sinh học mới có thể giúp tiên liệu trước được mức độ ác tính nhiều ít của ung thư và hiệu quả đáp ứng với một số thuốc đặc biệt nào đó.
D. Đánh giá hiệu quả của điều trị
Một trong những áp dụng quan trọng nhất của các dấu hiệu sinh học là để theo dõi điều trị ung thư, đặc biệt là trong các trường hợp bệnh đã lan tràn. Theo dõi sự thay đổi theo điều trị của các dấu hiệu sinh học chuyên biệt cho một loại ung thư nào đó sẽ thuận tiện và ít tốn kém hơn là phải làm đi làm lại các xét nghiệm khác như X quang, CT scan, xạ hình xương, v.v…
Lượng các dấu hiệu sinh học trong máu giảm xuống là biểu hiện cho thấy bệnh có đáp ứng với phương pháp điều trị đang tiến hành. Ngược lại, khi lượng các dấu hiệu sinh học tăng lên ám chỉ việc điều trị không hiệu quả và cần phải thay đổi. Có một ngoại lệ là trong những trường hợp rất nhạy với hóa trị, các tế bào ung thư bị tiêu diệt bởi thuốc với số lượng nhiều ngay một lúc sẽ phóng thích một lượng lớn các dấu hiệu sinh học và làm tăng tạm thời kết quả định lượng dấu hiệu sinh học trong máu.
E. Phát hiện tái phát
Các dấu hiệu sinh học cũng còn được dùng để phát hiện ung thư tái phát sau điều trị. Một số dấu hiệu sinh học đã chứng tỏ hữu ích trong lĩnh vực này gồm:
§   Kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (prostate specific antigen (PSA)) cho ung thư tiền liệt tuyến.
§   Human chorionic gonadotropin (HCG) cho bướu đệm nuôi và bướu tế bào mầm.
§   Alpha fetoprotein (AFP) cho bướu tế bào mầm cancers.
§   CA 125 cho ung thư biểu mô buồng trứng.
§   Carcinoembryonic antigen (CEA) cho ung thư đại-trực tràng.
Một số trường hợp ung thư vú sau điều trị có tình trạng tăng CA 15-3 trong máu một thời gian trước khi có biểu hiện bệnh tái phát trên lâm sàng. Hiện nay, chưa có bằng chứng cho thấy việc khởi sự điều trị ngay khi có tăng CA 15-3 làm tăng hiệu quả sống còn. Do vậy, ung thư vú tái phát được chẩn đoán và xử trí dựa vào triệu chứng lâm sàng hoặc hình ảnh học thường xuất hiện muộn hơn 6 tháng so với tăng CA 15-3 trong máu.
Do các tính chất trên nên hiện thời các dấu hiệu sinh học được dùng chủ yếu để theo dõi đánh giá điều trị các ung thư giai đoạn tiến xa hơn là theo dõi tái phát các ung thư giai đoạn sớm có khả năng chữa khỏi sau điều trị triệt để.
III. KHI NÀO CẦN LÀM XÉT NGHIỆM DẤU HIỆU SINH HỌC?
Chỉ định xét nghiệm các dấu hiệu sinh học tùy theo từng loại ung thư. Thông thường, người ta tiến hành xét nghiệm các dấu hiệu sinh học ung thư vào lúc chẩn đoán, trước, trong và sau điều trị. Sau khi hoàn tất điều trị, bệnh nhân tiếp tục được xét nghiệm các dấu hiệu sinh học ung thư trong quá trình theo dõi định kỳ nhiều năm sau đó. Sự thay đổi các dấu hiệu sinh học trong thời gian đang điều trị ung thư có ý nghĩa phản ánh hiệu quả của việc điều trị.
Giá trị định lượng dấu hiệu sinh học có thể biến đổi nhiều theo thời gian. Việc theo dõi so sánh sự biến đổi này mới thực sự có ý nghĩa hơn là dựa theo giá trị của một lần xét nghiệm duy nhất. Theo đó để dễ so sánh các lần xét nghiệm dấu hiệu sinh học nên được thực hiện bởi cùng phòng xét nghiệm và sử dụng cùng đơn vị đo lường thí dụ như ng/mL (nanogram/milliliter) hay U/mL (đơn vị /milliliter).
IV. LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN DẤU HIỆU SINH HỌC UNG THƯ
Dấu hiệu sinh học ung thư được khám phá đầu tiên là human chorionic gonadotropin (HCG), một dấu hiệu sinh học thường được dùng để chẩn đoán  tình trạng mang thai. Phụ nữ có tử cung lớn sau chấm dứt thai kỳ được xét nghiệm HCG. Lượng HCG cao trong máu có thể là một biểu hiện của bệnh ung thư lá nhau vì các tế bào ung thư có nguồn gốc từ lá nhau tiếp tục tạo HCG. Một số ung thư tinh hoàn và buồng trứng có thành phần tế bào xuất phát từ tế bào mầm cũng tiết ra HCG. Vì thế, HCG rất hữu ích trong chẩn đoán và theo dõi điều trị các loại ung thư đặc biệt này.
Các ung thư đệm nuôi có nguồn gốc từ lá nhau hoặc tế bào mầm kể trên chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong các ung thư nói chung và vì vậy người ta vẫn phải nỗ lực tìm kiếm một dấu hiệu sinh học nào đó có mặt thường xuyên và phổ biến trong các ung thư thường gặp ở người như ung thư ruột, vú, phổi. Một xét nghiệm máu đơn giản giúp phát hiện các ung thư này ở giai đoạn sớm có ý nghĩa to lớn là cứu được hàng triệu sinh mạng mỗi năm.
Thành công đầu tiên trong việc tìm kiếm một dấu hiệu sinh học hiện diện ở nhiều loại ung thư thường gặp đã đến vào năm 1965. Người ta phát hiện một kháng nguyên ung thư phôi (carcinoembryonic antigen (CEA)) trong máu bệnh nhân ung thư đại tràng. Đến cuối thập niên 70, nhiều dấu hiệu sinh học ung thư khác lần lượt được xác lập như CA 19-9 trong ung thư đại trực tràng, CA 15-3 trong ung thư vú và CA 125 trong ung thư buồng trứng. Có nhiều dấu hiệu sinh học ung thư khác cũng được tìm thấy nhưng không được tiếp tục đào sâu nghiên cứu vì không chứng tỏ được ưu thế hơn các dấu hiệu sinh học đã xác lập.
Tuy vậy, không có một dấu hiệu sinh học nào kể trên (kể cả CEA) đáp ứng được các yêu cầu đặt ra cho một dấu hiệu sinh học lý tưởng là giúp phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm. Có nhiều lý do để giải thích tình trạng này:
§   Hầu hết, mọi người bình thường đều có một lượng nhỏ các dấu hiệu sinh học này trong máu và rất khó để phát hiện sự gia tăng tinh tế nếu có của các dấu hiệu sinh học này khi ung thư mới chớm phát triển.
§   Lượng các dấu hiệu sinh học trong máu chỉ tăng cao hơn bình thường khi ung thư đã phát triển nhiều.
§   Một số bệnh nhân ung thư không có biểu hiện tăng các dấu hiệu sinh học.
§   Ngay cả khi các dấu hiệu sinh học tăng cao hơn bình thường cũng không đủ tính đặc hiệu để chẩn đoán ung thư. Thí dụ như dấu hiệu sinh học CA 125 có thể tăng trong nhiều bệnh lý phụ khoa khác, ngoài ung thư buồng trứng.
Những lý do vừa nêu cũng là cơ sở để cho thấy hiện nay các dấu hiệu sinh học được dùng chủ yếu cho các bệnh nhân ung thư đã được chẩn đoán nhằm đánh giá đáp ứng với điều trị và theo dõi tái phát sau điều trị.
Dấu hiệu sinh học duy nhất được dùng trong tầm soát ung thư hiện nay là kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (prostate-specific antigen (PSA)). Dấu hiệu sinh học PSA được phát hiện gần như đồng thời với các dấu hiệu sinh học ung thư khác và được sử dụng rộng rãi từ đầu thập niên 1990 nhờ một số ưu điểm đặc biệt. Thứ nhất là PSA chỉ được tạo ra bởi các tế bào tuyến tiền liệt nên sự gia tăng PSA hầu như là do bệnh lý của tuyến tiền liệt. Hơn nữa, PSA thường tăng cao ngay khi ung thư mới chớm phát triển, do vậy có thể chẩn đoán được ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn sớm, có khả năng chữa khỏi. Tuy nhiên, cũng còn một số vấn đề còn bàn cãi chung quanh xét nghiệm này. Một số người có PSA cao trong máu do các bệnh lý lành tính khác của tuyến tiền liệt. Một số bệnh nhân có PSA cao nhưng bệnh ung thư tuyến tiền liệt của họ lại không cần điều trị. Một số bệnh nhân khác có ung thư tuyến tiền liệt nhưng PSA lại không cao. Hiện vấn đề có nên thử PSA cho tất cả mọi người nam cao tuổi hay không đang còn tiếp tục bàn cãi và chưa có được sự nhất trí chung.
Nhiều dấu hiệu sinh học mới đang được nghiên cứu những năm gần đây có tính chất khác với các dấu hiệu sinh học cổ điển.
V. MỘT SỐ DẤU HIỆU SINH HỌC THÔNG DỤNG
A. Alpha-fetoprotein (AFP)
AFP có ích trong chẩn đoán và điều trị ung thư gan nguyên phát. Người bình thường có AFP thấp hơn 10 ng/mL. AFP tăng cao trong phần lớn bệnh nhân ung thư gan nguyên phát. AFP cũng tăng trong bệnh viêm gan siêu vi nhưng ở mức độ thấp, hiếm khi cao hơn 100 ng/mL.
AFP có giá trị giúp chẩn đoán ung thư gan nguyên phát. Ở người bình thường có khối bướu gan và không có bệnh lý ở gan trước đó, ngưỡng AFP tăng cao hơn 400 ng/mL có giá trị chẩn đoán ung thư gan nguyên phát. Nhưng với bệnh nhân có khối bướu gan trên nền viêm gan mạn, AFP tăng cao hơn 4.000 ng/mL mới có giá trị hướng đến chẩn đoán ung thư gan. Lượng AFP trong máu trở lại bình thường sau khi khối bướu được cắt bỏ hoàn toàn. Lượng AFP tăng cao trở lại sau đó thường là dấu chỉ bệnh ung thư tái phát.
AFP cũng tăng cao trong một số ung thư tinh hoàn và buồng trứng (loại tế bào mầm) và được dùng để theo dõi sau điều trị các ung thư này.
B. Beta-2-microglobulin (B2M)
B2M tăng trong máu trong các bệnh đa u tủy, bạch cầu lymphô mạn và một số lymphôm. Một số tình trạng bệnh lý ngoài ung thư như bệnh thận cũng có thể làm tăng B2M. Giá trị bình thường dưới 2,5 mg/L. B2M có giá trị tiên lượng và giúp đánh giá hiệu quả điều trị các ung thư liên quan.
C. CA 15-3
CA 15-3 được dùng chủ yếu để theo dõi điều trị ung thư vú. CA 15-3 tăng cao trong máu dưới 10% bệnh nhân ung thư vú giai đoạn sớm và khoảng 70% bệnh nhân giai đoạn tiến xa. Lượng CA 15-3 giảm sau điều trị có hiệu quả nhưng có thể tăng tạm thời vài tuần lễ đầu do các tế bào ung thư phóng thích ra khi bị tiêu diệt bởi điều trị.
Giá trị bình thường dưới 30 U/mL, nhưng phụ nữ bình thường có thể có CA 15-3 cao tới 100 U/mL. CA 15-3 có thể tăng cao trong một số ung thư khác và các bệnh lý lành tính ở vú, viêm gan.
D. CA 125
CA 125 là dấu hiệu sinh học tiêu chuẩn dùng để theo dõi trong và sau điều trị ung thư biểu mô buồng trứng. Giá trị bình thường thấp hơn 35 U/mL. Hơn 90% bệnh nhân ung thư buồng trứng giai đoạn tiến xa có tăng CA 125 và giá trị này thay đổi theo hiệu quả của điều trị.
Gần 50% bệnh nhân ung thư buồng trứng giai đoạn khu trú có tăng CA 125. CA 125 không giúp ích nhiều trong tầm soát ung thư buồng trứng vì tỉ lệ bỏ sót cao, và nhiều bệnh lý cũng làm tăng CA 125 như tử cung hóa sợi, lạc nội mạc tử cung. CA 125 cũng có thể tăng cao trong các ung thư khác như phổi, tụy, vú, đại tràng.v.v… Vì tương đối hiếm gặp so với các ung thư khác nên sự gia tăng CA 125 trong máu có thể liên quan đến các ung thư khác hơn là chính ung thư buồng trứng.
E. CA 19-9
CA 19-9 thường được dùng trong theo dõi điều trị ung thư tụy. Giá trị bình thường dưới 37 U/mL , tăng CA 19-9 liên quan đến tình trạng tiến xa của bệnh.
CA 19-9 còn tăng trong các ung thư tiêu hóa khác, như ung thư đại tràng, bao tử, đường mật và một số bệnh lý không ung thư như bệnh tuyến giáp, viêm tụy.
F. Carcinoembryonic antigen (CEA)
CEA không được dùng để tầm soát hoặc chẩn đoán, nhưng có giá trị dự đoán tiên lượng ung thư đại trực tràng, giá trị bình thường dưới 3 ng/mL. Sự tăng CEA liên quan đến mức độ tiến xa của bệnh.
CEA là dấu hiệu sinh học tiêu chuẩn dùng trong theo dõi trong và sau điều trị ung thư đại trực tràng.
CEA có thể tăng cao và có thể dùng để theo dõi đánh giá đáp ứng với điều trị như trong ung thư phổi, ung thư vú. CEA cũng có thể tăng trong một số ung thư khác như tuyến giáp, tụy, gan, bao tử, tiền liệt tuyến, buồng trứng, bọng đái. Một số bệnh lý ngoài ung thư và người hút thuốc lá cũng có thể có CEA cao.
G. Thụ thể nội tiết
Thụ thể nội tiết được khảo sát từ mô ung thư vú, gồm hai loại thụ thể với estrogen và thụ thể với progesterone. Các bệnh nhân có thụ thể nội tiết dương tính thường có tiên lượng tốt hơn do ung thư tiến triển chậm. Các ung thư vú có thụ thể nội tiết dương tính có thể điều trị bằng phương pháp nội tiết như tamoxyfen hoặc aromatase inhibitors.
K. HER2 (hay HER2/neu, erbB-2, EGFR2)
HER2 là một prôtêin kích thích tế bào ung thư vú tăng trưởng. Thụ thể với HER2 cũng được khảo sát từ mô ung thư vú và dương tính trong khoảng 20% bệnh nhân. Các ung thư có HER2 dương tính thường tiến triển và lan tràn nhanh hơn. HER2 cũng tăng trong nhiều ung thư khác ngoài ung thư vú.
Bệnh nhân có HER2 dương tính có thể có đáp ứng với một số điều trị đặc biệt như trastuzumab (Herceptin®), lapatinib (Tykerb®) là các thuốc tác dụng đặc hiệu trên thụ thể HER2 của tế bào ung thư.
L. Human chorionic gonadotropin (HCG)
HCG (còn gọi là beta-HCG) tăng cao trong máu trong một số loại ung thư tinh hoàn, buồng trứng và ung thư tế bào đệm nuôi. HCG cũng có thể tăng cao trong bướu tế bào mầm trung thất. Định lượng HCG có giá trị giúp chẩn đoán và theo dõi điều trị cũng như sự tái phát của các bệnh lý trên.
Sự tăng cao HCG cũng gợi hướng chẩn đoán ung thư trong một vài tình huống như phụ nữ có tử cung lớn kéo dài sau sanh kèm theo sự tăng cao HCG trong máu hướng đến chẩn đoán ung thư tế bào đệm nuôi. Tương tự như vậy ở nam, HCG tăng cao kèm theo một khối bướu ở tinh hoàn hoặc ở trung thất hướng đến chẩn đoán ung thư tế bào mầm.
M. Neuron-specific enolase (NSE)
NSE, cũng như chromogranin A là các dấu hiệu sinh học của các bướu thần kinh nội tiết như carcinôm tế bào nhỏ ở phổi, bướu nguyên bào thần kinh, bướu carcinoid. NSE không có giá trị tầm soát mà thường được dùng trong theo dõi điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ và bướu nguyên bào thần kinh. NSE có thể tăng cao trong một số ung thư không thuộc hệ thần kinh nội tiết. Ngưỡng tăng có ý nghĩa bệnh lý của NSE thường là cao hơn 9ug/mL.
N. Prostate-specific antigen (PSA)
PSA là dấu hiệu sinh học của ung thư tiền liệt tuyến. đây là dấu hiệu sinh học duy nhất có ý nghĩa sử dụng để tầm soát một trong những ung thư thường gặp, tuy vẫn còn nhiều vấn đề còn bàn cãi. PSA là một protêin được tạo ra bởi các tế bào tuyến tiền liệt.
Sự gia tăng PSA trong máu thường gặp trong ung thư tuyến tiền liệt và một số tình trạng bệnh lý khác như phì đại tuyến tiền liệt. PSA cũng có khuynh hướng tăng theo tuổi, tình trạng viêm nhiễm tuyến tiền liệt và ngay cả 1 hoặc 2 ngày sau phóng tinh.
Giá trị bình thường của PSA thường thấp hơn 4 ng/mL. Giá trị tăng cao hơn 10 ng/mL có ý nghĩa chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến. Khoảng giữa 4 đến 10 ng/mL được gọi là khu vực giáp ranh và người có trị số PSA ở khoảng này có khả năng 25% mắc ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, sự định giá trị ngưỡng ở mức 4ng/ml cũng không có giá trị tuyệt đối vì nhiều bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt không có PSA cao và ngược lại không hẳn tất cả mọi trường hợp có PSA cao trên ngưỡng đều là ung thư tuyến tiền liệt. Tốc  độ tăng PSA được đánh giá bằng định lượng PSA liên tiếp ít nhất 3 lần trong vòng 18 tháng có ý nghĩa chẩn đoán cao hơn.
Trong tình huống PSA tăng ở khu vực giáp ranh (từ 4 đến 10 ng/mL), xét nghiệm định lượng PSA tự do (PSA trong máu có hai dạng: dạng kết hợp với protein và dạng tự do). Tỉ lệ PSA tự do trên PSA toàn bộ càng tăng thì càng ít có khả năng ung thư. Ung thư tuyến tiền liệt hầu như ít xảy ra khi tỉ lệ PSA tự do/PSA toàn bộ cao hơn 25% . Khi tỉ lệ này thấp hơn 10%, ung thư tuyến tiền liệt có nhiều khả năng xảy ra và bệnh nhân cần được sinh thiết để xác định chẩn đoán.
Xét nghiệm PSA rất có giá trị trong việc theo dõi bệnh nhân. PSA âm tính hóa hoàn toàn sau phẫu thuật triệt để ung thư tiền liệt tuyến giai đoạn khu trú. Lượng PSA trong máu cũng giảm thấp sau khi xạ trị. PSA tăng trở lại báo hiệu bệnh có khả năng tái phát hoặc di căn. PSA còn có ý nghĩa giúp đánh giá đáp ứng điều trị bằng các phương pháp toàn thân (nội tiết, hóa trị) trong giai đoạn tiến xa.
O. Prostate-specific membrane antigen (PSMA)
PSMA là dấu hiệu sinh học có ở tất cả các tế bào tuyến tiền liệt, tăng theo tuổi tác và trong bệnh ung thư tuyến tiền liệt. PSMA có độ nhạy cao nhưng không chứng tỏ ưu thế hơn PSA. Nhiều nghiên cứu đang tiến hành nhằm xác lập vai trò của PSMA trong chẩn đoán và theo dõi điều trị. Hiện PSMA thường được dùng trong xạ hình toàn thân để đánh giá giai đoạn và đang được nghiên cứu áp dụng trong điều trị miễn dịch ung thư tuyến tiền liệt.
P. Thyroglobulin
Thyroglobulin là một protein được tạo ra bởi tuyến giáp. Lượng thyroglobulin bình thường thay đổi theo tuổi và giới. Thyroglobulin tăng cao trong một số bệnh tuyến giáp bao gồm cả ung thư.
Lượng thyroglobulin trong máu trở về mức không phát hiện được sau điều trị triệt để ung thư tuyến giáp. Lượng thyroglobulin tăng trở lại có ý nghĩa bệnh tái phát. Trong giai đoạn tiến xa, thyroglobulin có giá trị giúp theo dõi đánh giá đáp ứng với điều trị ung thư tuyến giáp.
Một số bệnh nhân có phản ứng miễn dịch chống lại thyroglobulin làm ảnh hưởng đến xét nghiệm, do vậy người ta thường định lượng đồng thời thêm kháng thể kháng thyroglobulin.

VI. CÁC NGHIÊN CỨU DẤU HIỆU SINH HỌC UNG THƯ MỚI
Các dấu hiệu sinh học ung thư khảo sát riêng rẽ ít có ý nghĩa trong chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh ung thư. Các nghiên cứu mới mở ra theo hướng nhìn toàn diện tổng thể các biến đổi của cơ thể và khối bướu ảnh hưởng như thế nào đến diễn tiến bệnh ung thư và các áp dụng vào tầm soát, chẩn đoán và điều trị…
A. Bộ gen (genomics)
Các nhà nghiên cứu đặt chú ý vào các thay đổi của bộ gen và quá trình diễn tiến bệnh ung thư. Với các công nghệ và kỹ thuật sinh học phân tử mới, người ta đã có thể xác định các biến đổi gen của từng ung thư cụ thể, qua đó tiên liệu được độ ác tính, khả năng đáp ứng với các phương pháp điều trị đặc biệt.
B. Bộ protein (proteomics)
Tương tự các nhà nghiên cứu khảo sát toàn thể một số protein (sản phẩm của các gen) có liên quan đến quá trình tiến triển của bệnh ung thư cụ thể và áp dụng vào trong chẩn đoán và điều trị.

Tóm lại, dù có tiến bộ và hiện đại đến đâu, các dấu hiệu sinh học ung thư hiện được dùng với ý nghĩa như một xét nghiệm hỗ trợ lâm sàng. Càng nhiều dấu hiệu sinh học ung thư được phát hiện và nghiên cứu áp dụng, càng có nhiều vấn đề đặt ra liên quan đến một loạt các khía cạnh như: chỉ định, tốn phí, ảnh hưởng xấu đến người bệnh khi bị lạm dụng các xét nghiệm này…

Không có nhận xét nào:

Blogger Gadgets
Copyright 2010 UNG THƯ.

TRANG CHỦ. | ĐỌC BÁO | L.B.V MÁY TÍNH. | NGHE NHẠC. | XEM PHIM. |