Hướng dẫn tầm soát sau đây được Hiệp Hội Ung Thư Mỹ (ACS) khuyến cáo cho những người có nguy cơ mắc ung thư ở mức độ trung bình và chưa có triệu chứng nào đặc biệt.
- Những người có nguy cơ cao mắc một số ung thư nào đó cần tuân thủ quy trình tầm soát riêng, như khởi đầu sớm hơn hoặc kiểm tra thường xuyên hơn chẳng hạn.
- Những người đã có các triệu chứng liên quan đến ung thư cần đi khám bệnh ngay.
A-Kiểm tra tầm soát ung thư
- Đối với những bệnh nhân từ 20 tuổi trở lên, tầm soát ung thư cần bao gồm tư vấn y khoa, và tùy theo tuổi và giới tính, có thể bao gồm tầm soát ung thư tuyến giáp, khoang miệng, da, các hạch lymphô, tinh hoàn, buồng trứng, đồng thời với một số bệnh lý không ung thư khác.
- Những xét nghiệm đặc hiệu cho một số bệnh ung thư sẽ được đề cập đến ở phần dưới đây.
B-Ung thư tuyến vú
Ung thư vú
- Chụp nhũ ảnh bắt đầu từ tuổi 40 và tiếp tục mỗi năm sau đó.
- Khám tuyến vú lâm sàng (clinical breast examination=CBE) phải là một phần của khám sức khỏe định kỳ, mỗi 3 năm đối với phụ nữ từ 20 đến 30 tuổi và mỗi năm sau đó đối với phụ nữ từ 40 tuổi trở lên.
- Phụ nữ cần biết cách tự thăm khám vú của mình và báo cáo ngay cho bác sĩ nếu phát hiện những bất thường. Nên tự thăm khám vú (Breast self-exam=BSE) bắt đầu từ 20 tuổi trở lên.
- Phụ nữ có nguy cơ cao (>20%) cần được chụp MRI và nhũ ảnh mỗi năm.
C-Ung thư đại trực tràng
Hình ảnh ung thư đại tràng
Bắt đầu từ tuổi 50, nam lẫn nữ có nguy cơ ung thư đại trực tràng ở mức độ trung bình nên thực hiện một trong các xét nghiệm tầm soát sau đây. Nên chọn các xét nghiệm nào giúp phát hiện các polyp và ung thư ở giai đoạn sớm.
1-Các xét nghiệm tầm soát polyp và ung thư.
- Nội soi đại tràng sigma bằng ống mềm mỗi 5 năm
- Nội soi đại tràng mỗi 10 năm
- Chụp đại tràng đối quang kép (double contrast barium enema) mỗi 5 năm.
- MSCT đại tràng (nội soi đại tràng ảo=virtual colonoscopy) mỗi 5 năm
2-Các xét nghiệm chủ yếu tìm ung thư
+ Xét nghiệm máu ẩn trong phân (fecal occult blood test=FOBT) mỗi năm
+ Xét nghiệm hóa miễn dịch phân (fecal immunochemical test=FIT) mỗi năm
+ Xét nghiệm DNA trong phân (sDNA)
- Nội soi đại tràng nếu các kết quả xét nghiệm trên dương tính.
- Khi dùng FOBT hoặc FIT để tầm soát, cần kiểm tra nhiều mẫu.
- Nên tầm soát ung thư đại trực tràng sớm hơn và thường xuyên hơn nếu có các yếu tố nguy cơ sau đây:
+ Tiền sử bản thân bị ung thư đại trực tràng hoặc polyp tuyến (adenomatous polyps)
+ Tiền sử bản thân viêm đại tràng mạn (bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng)
+ Tiền sử gia đình về ung thư đại trực tràng hoặc polyps (cha mẹ, anh chị em ruột, con cái)
+ Tiền sử gia đình về các hội chứng ung thư đại trực tràng như bệnh đa polyp tuyến gia đình (familial adenomatous polyposis=FAP) hoặc bệnh ung thư đại tràng không polyp di truyền (hereditary non-polyposis colon cancer=HNPCC)
3-Ung thư cổ tử cung (CTC)
Các giai đoạn của ung thư cổ tử cung
- Tất cả phụ nữ nên được tầm soát ung thư cổ tử cung khoảng 3 năm sau khi bắt đầu có quan hệ tình dục, nhưng không được muộn hơn 21 tuổi. Tầm soát nên được thực hiện mỗi năm bằng xét nghiệm Pap thông thường hoặc mỗi 2 năm nếu sử dụng xét nghiệm Pap mới (dùng dung dịch).
- Bắt đầu từ tuổi 30, những phụ nữ có 3 lần xét nghiệm Pap liên tục bình thường sẽ được tầm soát mỗi 2 đến 3 năm một lần.
- Một chọn lựa hợp lý khác cho phụ nữ trên 30 là nên được tầm soát mỗi 3 năm bằng xét nghiệm Pap quy ước hoặc bằng xét nghiệm Pap dùng dung dịch, đồng thời với xét nghiệm HPV DNA.
- Những phụ nữ có các yếu tố nguy cơ như phơi nhiễm với diethylstilbestrol (DES) trước khi sanh ra, nhiễm HIV, hệ miễn dịch suy yếu do ghép tạng, hóa trị liệu, hoặc dùng steroid mạn tính cần tiếp tục được tầm soát mỗi năm.
- Những phụ nữ từ 70 trở lên đã có từ 3 lần xét nghiệm Pap liên tục bình thường trở lên và không có kết quả Pap bất thường trong 10 năm trở lại đây có thể được xét ngừng tầm soát ung thư cổ tử cung. Những phụ nữ có tiền sử phơi nhiễm với DES trước khi sanh, nhiễm HIV infection hoặc hệ miễn dịch suy yếu cần được tiếp tục tầm soát.
- Phụ nữ đã được phẫu thuật cắt toàn bộ tử cung có thể ngưng tầm soát ung thư cổ tử cung, trừ phi phẫu thuật được thực hiện để điều trị ung thư CTC hoặc tình trạng tiền ung thư. Phụ nữ đã cắt tử cung nhưng chừa lại CTC vẫn nên được tiếp tục tầm soát theo khuyến cáo đã nêu trên.
4-Ung thư nội mạc tử cung (Endometrial cancer, uterine cancer)
Hình ảnh ung thư nội mạc tử cung
- Hiệp Hội Ung Thư Mỹ (The American Cancer Society) khuyến cáo nên thông tin về những nguy cơ và các triệu chứng của bệnh ung thư nội mạc tử cung cho tất cả các phụ nữ vào thời điểm mãn kinh, đồng thời khuyến khích họ báo cáo ngay cho bác sĩ về những lần xuất huyết âm đạo bất thường.
- Phụ nữ có nguy cơ cao về ung thư đại tràng không polyp di truyền (hereditary non-polyposis colon cancer=HNPCC) cần được tầm soát ung thư nội mạc tử cung mỗi năm, đi kèm với sinh thiết nội mạc tử cung, bắt đầu từ tuổi 35.
5- Ung thư tuyến tiền liệt
Các giai đoạn của ung thư tuyến tiền liệt
- Hiệp Hội Ung Thư Mỹ (ACS) hiện nay không ủng hộ xét nghiệm tầm soát thường quy ung thư tuyến tiền liệt. ACS cho rằng bác sĩ chuyên khoa nên thảo luận về những lợi ích và hạn chế của các xét nghiệm phát hiện ung thư tuyến tiền liệt sớm với thân chủ của mình trước khi thực hiện tầm soát. Thảo luận này nên bao gồm đề nghị xét nghiệm PSA (prostate-specific antigen) và thăm trực tràng bằng ngón tay (digital rectal exam=DRE) mỗi năm bắt đầu từ tuổi 50, cho những đàn ông có nguy cơ trung bình mắc ung thư tuyến tiền liệt và còn khả năng sống ít nhất 10 năm nữa. Sau khi thảo luận, sẽ thực hiện tầm soát cho những người mong muốn được xét nghiệm.
- Nam giới cần tích cực tham gia tìm hiểu về ung thư tuyến tiền liệt, cùng những quan niệm trái ngược nhau trong việc phát hiện sớm và điều trị bệnh lý này.
- Thảo luận này nên được bắt đầu từ tuổi 45 đối với nam giới có nguy cơ cao mắc ung thư tuyến tiền liệt. Được xem là có nguy cơ cao khi trong gia đình có cha, anh em, hoặc con trai bị ung thư tuyến tiền liệt trước 65 tuổi.
- Thảo luận này nên được thực hiện ở tuổi 40 đối với nam giới có nguy cơ ở mức độ cao hơn (có nhiều người thân trực hệ sớm mắc ung thư tuyến tiền liệt).
BS. ĐỒNG NGỌC KHANH - BV Đa Khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét