Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

Xét nghiệm máu không thể tầm soát ung thư.








Khám sức khỏe định kỳ là biện pháp đơn giản và khoa học nhất để kiểm tra tình trạng sức khỏe của mình, phát hiện sớm các bệnh lý để điều trị kịp thời, đặc biệt là bệnh ung thư. Tuy nhiên, trog thời gian gần đây, nhiều bác sĩ cho rằng các xét nghiệm máu có thể tầm soát được ung thư nên thay vì thực hiện các phương pháp tầm soát ung thư cơ bản được Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra cho từng lứa tuổi và từng đối tượng thì lại cho bệnh nhân làm nhiều xét nghiệm để truy tìm các dấu ấn ung thư trong máu (Tumor marker). Hậu quả là khi thấy nồng độ một chất tăng cao thì bệnh nhân sẽ được tiếp tục thực hiện một loạt các xét nghiệm y tế khác như chụp CT, nội soi dạ dày, ruột già, thậm chí đến cả chụp PET… để xác định xem có phải ung thư thật sự hay không. Điều này khiến cho bệnh nhân hoang mang lại gây mất nhiều thời gian và tiền bạc.


Về lý thuyết, khi tế bào ung thư phát triển sẽ sinh ra một số chất vào trong máu. Do đó, khi nồng độ một chất nào đó tăng cao thì có thể bệnh nhân đã bị ung thư, chẳng hạn như xét nghiệm CEA tăng cao thì có thể bệnh nhân bị ung thư đại tràng, AFP tăng cao có thể bị ung thư gan, CA125 tăng cao có thể bị ung thư buồng trứng, CA 19-9 tăng cao có thể bị ung thư dạ dày, tụy, ruột, mới đây còn có xét nghiệm DR 70 tầm soát 13 loại ung thư. Nhưng trên thực tế, theo kết luận từ rất nhiều nghiên cứu về các dấu ấn ung thư đều khẳng định, không có một xét nghiệm máu nào có thể cho kết quả đáng tin cậy trong khảo sát, phát hiện sớm ung thư. Nhiều bằng chứng cho thấy chất CEA cũng tăng cao trong các trường hợp viêm loét ruột hoặc bệnh nhân hút nhiều thuốc, AFP tăng khi bệnh nhân bị viêm gan, CA 125 tăng trong nhiều trạng thái lành tính khác của phụ nữ như lạc nội mạc tử cung, PSA - xét nghiệm thường dùng nhất cho ung thư tiền liệt tuyến - cũng sẽ bị thay đổi khi bệnh nhân bị viêm tuyến tiền liệt. Mới đây, website của Cơ quan Quản lý Thiết bị Y tế của Anh (UK MDA Medical Devices Agency) cũng đưa ra khuyến cáo là không thể sử dụng DR 70 để tầm soát ung thư vì không đủ chứng cứ y khoa. Như vậy, việc truy tìm dấu ấn ung thư thường được sử dụng trong các trường hợp theo dõi điều trị ung thư hoặc bổ sung thêm thông tin khi bệnh nhân có nguy cơ bị ung thư cao chứ không thể thực hiện trên người khỏe mạnh để tầm soát ung thư.

Ở các nước tiên tiến, bác sĩ gia đình (Family Practitioner) và bác sĩ đa khoa (General Practitioner) thường là người thực hiện việc khám sức khỏe tổng quát ban đầu. Bệnh nhân có thời gian trao đổi các vấn đề sức khỏe, bệnh sử bản thân và gia đình cho bác sĩ. Trên cơ sở đó và qua quá trình kiểm tra, thăm khám, bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân nên thực hiện các xét nghiệm nào cho phù hợp với lứa tuổi, nguy cơ của bệnh nhân đồng thời tư vấn các thói quen trong sinh hoạt (ăn uống, tập thể dục, chơi thể thao, chích ngừa...) để có những tác động tốt đến sức khỏe. Sau khi có kết quả các xét nghiệm, bệnh nhân sẽ gặp lại bác sĩ đa khoa để được tư vấn và hướng dẫn cách theo dõi, điều trị các bất thường. Bệnh nhân chỉ đến khám ở bác sĩ chuyên khoa khi có chỉ định giới thiệu từ bác sĩ đa khoa.

Trong khi đó, với cách tổ chức khám sức khỏe định kỳ của chúng ta hiện nay cùng tình trạng quá tải ở hầu hết bệnh viện, bệnh nhân không thể có thời gian được bác sĩ tư vấn. Thêm vào đó, do chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe ban đầu trong quản lý và điều hành y tế nên chúng ta chưa tận dụng hết chức năng của bác sĩ gia đình và bác sĩ đa khoa trong sàng lọc bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu. Vì vậy, muốn khám tổng quát, bệnh nhân phải đi một vòng từ chuyên khoa mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, da liễu... Với cách khám qua loa, bệnh nhân đi hết phòng này đến phòng khác mà kết quả hầu hết là bình thường. Kết quả này chắc chắn sẽ khả quan hơn nếu có quá trình sàng lọc và thăm khám sức khỏe ban đầu trươc khi đến với bác sĩ chuyên khoa.

Tóm lại, trong khám tổng quát không không nên lạm dụng nhiều xét nghiệm máu và cũng không cần thật nhiều bác sĩ chuyên khoa.

Hội viên Hội Tiêu hóa - Gan mật Hoa Kỳ

Bác sĩ Nguyễn Vĩnh Tường




Khám sức khỏe Tổng quát có tầm soát ung thư?

Không phải đợi đến thời gian gần đây chúng ta mới nhận ra: khám tổng quát là một trong những phương pháp giúp giữ gìn sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật. Tuy nhiên, không ít trường hợp khám tổng quát được hiểu là tầm soát ung thư. Vậy câu hỏi đặt ra là: Khám sức khỏe tổng quát có bao gồm tầm soát các loại ung thư? Bác sĩ Trần Hiền Trung, chuyên khoa Nội Tổng Quát & Tiêu Hóa Gan Mật, Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare Mỹ Mỹ sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi này.

Sau đây là ví dụ cho một trường hợp khá thường gặp khi khám tổng quát: một bệnh nhân nam, 40 tuổi đến Phòng khám đăng ký khám tổng quát, và vấn đề anh quan tâm thêm là tầm soát các loại ung thư.
Trong gói khám tổng quát, sau khi đăng ký, bao giờ bệnh nhân cũng sẽ được đề nghị điền Thông tin về tiền sử bệnh lí bản thân và gia đình. Đây là phần rất quan trọng đầu tiên giúp người thầy thuốc đánh giá yếu tố nguy cơ của người bệnh trước khi khám và tham vấn. Yếu tố nguy cơ này không chỉ liên quan đến các bệnh lý mãn tính  (như bệnh tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường .v.v.) mà còn ảnh hưởng đến việc tầm soát bệnh trong đó có ung thư, cũng như việc theo dõi sức khỏe sau đó như thế nào.
Không ít bệnh nhân khi đến khám tổng quát yêu cầu bác sĩ cho tầm soát ung thư bằng xét nghiệm máu toàn bộ các xét nghiệm chỉ điểm khối u (tumor marker) và Chụp cắt lớp toàn thân. Tuy nhiên, cho đến nay,khi không có triệu chứng hoặc yếu tố nguy cơ, chưa có khuyến cáo nào cho thấy việc làm tất cả các xét nghiệm chỉ điểm khối u và/hoặc thực hiện Chụp cộng hưởng từ hoặc Chụp cắt lớp toàn thân như trên có thể giúp phát hiện và điều trị sớm ung thư một cách hiệu quả. Mặt khác, mỗi xét nghiệm hay phương pháp cận lâm sàng đều có thể cho kết quả dương tính giả (cho kết quả bất thường, nhưng thực tế không có bệnh) thì có hay chăng, chính các kết quả của các xét nghiệm chưa thật sự cần thiết này lại làm bệnh nhân mang thêm sự lo lắng không đáng có sau khi khám tổng quát?!
Chính vì vậy, việc ghi nhận đầy đủ, tỉ mỉ thông tin về tiền sử bệnh bản thân và gia đình của bệnh nhân nhằm xác định yếu tố nguy cơ của từng người bệnh là vô cùng cần thiết. Ví dụ, theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, bệnh nhân nam/nữ từ 50 tuổi nên được tầm soát ung thư đại trực tràng (ngay cả khi không có triệu chứng bất thường ở đường tiêu hóa). Nhưng nếu trong gia đình có người bị phát hiện ung thư đại tràng năm 50 tuổi, giả sử là người nhà bệnh nhân trên, thì bệnh nhân này cần được tầm soát ung thư đại tràng sớm hơn 10 năm, tức là từ năm 40 tuổi – tại thời điểm khám bệnh – thay vì chờ đến năm 50 tuổi. Mười năm khác biệt là khoảng thời gian đủ dài để một khối u có thể phát triển đến giai đoạn trễ, vì khối u ở đại tràng thông thường sẽ phát triển từ một polyp mà polyp này có thể được cắt bỏ dễ dàng nếu được phát hiện sớm. Và chính việc phát hiện – cắt bỏ polyp đại tràng là một trong những cách để phòng ngừa ung thư đại trực tràng tốt nhất.

Bên cạnh tiền sử bệnh lý gia đình và bản thân người bệnh, bác sĩ còn có thể xác định các yếu tố nguy cơ qua tìm hiểu về công việc, thói quen ăn uống cũng như sinh hoạt của bệnh nhân trong khi hỏi bệnh (ví dụ môi trường làm việc tiếp xúc với các chất sinh ung [carcinogen]; thói quen hút thuốc lá; ăn trầu .v.v.). Và hiển nhiên, việc thăm khám cẩn thận của người thầy thuốc sẽ giúp phát hiện những bất thường mà bệnh nhân không tự nhận thấy. Nếu những bất thường này chưa đủ để chẩn đoán hoặc điều trị, các cận lâm sàng như xét nghiệm máu, nước tiểu… hoặc siêu âm, X-quang, chụp xạ hình .v.v. sẽ được đề nghị khi có chỉ định.
Nếu phần hỏi bệnh – thăm khám không ghi nhận bất thường, thì kết quả các cận lâm sàng trong gói khám tổng quát cũng có thể góp phần phát hiện sớm những bất thường trước khi bệnh nhân có triệu chứng. Sự tăng cao bất thường của số lượng bạch cầu trong máu; máu xuất hiện trong mẫu thử nước tiểu; khối u nhỏ trong gan, túi mật hay bàng quang .v.v. không hẳn đều liên quan đến ung thư nhưng bệnh nhân sẽ được hướng dẫn làm thêm cận lâm sàng hoặc có kế hoạch theo dõi để xác định chẩn đoán. Đó cũng chính là một trong những ý nghĩa của việc khám tổng quát: phát hiện và điều trị sớm những bất thường trong đó một số có thể liên quan đến ung thư.

(Trích bài viết của Bs. Trần Hiền Trung, đăng trên báo Tuổi Trẻ)


Không có nhận xét nào:

Blogger Gadgets
Copyright 2010 UNG THƯ.

TRANG CHỦ. | ĐỌC BÁO | L.B.V MÁY TÍNH. | NGHE NHẠC. | XEM PHIM. |